Hợp Tiến là một xã nằm sâu trong vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên Hợp Tiến (huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình), và là một xã thuộc danh sách các xã đặc biệt khó khăn của Chương trình 135. Việc phát triển kinh tế-xã hội so các xã khác trong huyện, nói như Chủ tịch xã Hoàng Văn Toàn, thuộc loại “cũng rất vất vả”. Tuy nhiên, sự vất vả lại thúc đẩy nhiều sự biến đổi. Và quan trọng là Hợp Tiến đang có nhiều biến đổi.
Đổi từ cách nhìn con ong
Nguồn cơn của xã nghèo như Hợp Tiến thì có vô vàn lý do khách quan. Xã có hơn 1.200 hộ. Đời sống của nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, nhưng phần lớn đất nông nghiệp lại là ruộng bậc thang, khó áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Mô hình chăn nuôi thì chủ yếu là nhỏ lẻ, đất lâm nghiệp hiệu quả kinh tế không cao. Trong số hơn 5.400 nhân khẩu của xã có tới khoảng 1/3 là hộ nghèo, cận nghèo. Dù chăm chỉ làm lụng nhưng đến năm 2022, thu nhập bình quân đầu người của người dân nơi đây mới chỉ đạt 27,3 triệu đồng/người/năm. Thoát nghèo là câu chuyện trăn trở của không chỉ chính quyền mà còn của từng người dân Hợp Tiến.
Với khát vọng thoát nghèo, khai thác và phát huy hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của địa phương, Hợp Tiến đang có những nỗ lực trong công tác chỉ đạo, điều hành, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, có chính sách thu hút đầu tư, phát triển du lịch xanh, hướng tới mục tiêu về đích nông thôn mới vào năm 2025.
Tận dụng điều kiện tự nhiên thuận lợi, cùng với diện tích rừng đặc dụng khá lớn, phù hợp để phát triển nghề nuôi ong lấy mật, năm 2020, Hợp tác xã Green Life, xã Hợp Tiến được thành lập với vốn điều lệ là 700 triệu đồng. Khu rừng đặc dụng hơn 5.000 ha cùng nhiều loại hoa rừng là môi trường tự nhiên lý tưởng để ra đời mật ong có giá trị. Bản thân người dân Hợp Tiến cũng không xa lạ gì với nghề nuôi ong. Nhưng tìm được đầu ra cho mật và bảo đảm ổn định chất lượng mật thì phải đến khi mô hình Hợp tác xã (HTX) ra đời, mật ong Hợp Tiến mới thật sự có bước tiến.
Để tạo chất lượng và hương vị đặc biệt cho mật ong, HTX đã thuần hóa giống ong rừng và nhân đàn để nuôi. Ban đầu, HTX chỉ có khoảng 2.000 đàn, sau 2 năm, tổng số đàn ong được nhân lên thành 3.500 đàn và đến nay là khoảng 4.000 đàn. Sản lượng mật ong đạt 40 nghìn lít/năm với tổng thu nhập khoảng 6 tỷ đồng/năm. Điểm đặc biệt là chất lượng của mật ong ngày càng được nâng cao khi HTX đầu tư công nghệ tách hạ thủy phần. Các thành viên trong HTX cũng đã tận dụng các chất liệu trong quá trình nuôi ong lấy mật để cho ra nhiều sản phẩm độc đáo, như: nến không khói, không mùi, hay rượu lên men tự nhiên bằng mật ong…
“Nghề nuôi ong này có từ lâu đời ở đây rồi. Ưu điểm ở đây là ở gần rừng đặc dụng, diện tích rừng rất rộng và nguồn mật tự nhiên rất dồi dào. Anh em cũng tận dụng lợi thế của địa phương, tập trung vào phát triển với ong lấy mật. So với trước khi nuôi ong thì bây giờ cũng có nhiều thay đổi, khá giả hơn ngày trước. Anh em cũng có thu nhập hằng tháng. Ngày trước phải đi làm thuê, làm mướn mà giờ anh em ở nhà tập trung vào nuôi ong lấy mật thôi, không phải đi làm ăn xa nữa”, anh Bùi Văn Trang, Phó Giám đốc HTX Green Life cho biết.
Mô hình nuôi ong cho dấu hiệu khả quan đã mở đường cho người dân Hợp Tiến tiếp tục lựa chọn hướng đi mới này. Càng ngày, càng nhiều người dân cùng tham gia vào công việc nuôi ong lấy mật. “Chúng tôi phân công trách nhiệm của từng đồng chí đảng viên trong chi bộ phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể của xóm. Mỗi đồng chí phụ trách một ban, ngành, đoàn thể và kết hợp trực tiếp với trưởng, phó các ban, ngành, đoàn thể để cùng vận động tuyên truyền các hội viên của mình tham gia phát triển kinh tế ở địa phương. Ban chi ủy cũng tham mưu với Đảng ủy xã có một số nguồn vốn vay cho bà con phát triển kinh tế như: vay vốn ngân hàng chính sách xã hội với hộ nghèo, hộ cận nghèo, còn hộ khác thì cũng có thể vay vốn theo các hình thức khác”, bà Bùi Thị Nhiền (Bí thư thôn Lươn, xã Hợp Tiến) kể lại hành trình vận động bà con cùng tham gia mô hình kinh tế mới.
“Lộc” từ trời, dưới bàn tay người, đã đưa sản phẩm mật ong Hợp Tiến được nhiều người biết đến. Năm 2022, sản phẩm mật ong của Hợp tác xã Green Life được UBND tỉnh Hòa Bình công nhận là sản phẩm OCOP
3 sao. Nhờ đó mà thu nhập và đời sống của các thành viên trong HTX không ngừng được cải thiện và ngày càng được nâng cao. HTX đang tạo công việc ổn định cho 12 lao động với thu nhập 4,5-6 triệu đồng/tháng. Sản phẩm mật ong của bà con trong xã được HTX Green Farm bao tiêu 70%. Thời điểm hiện tại, với hệ thống máy móc mới áp dụng, mật ong của Hợp Tiến đã có thủy phần dưới 18%, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang châu Âu.
Đến chuyển đổi mô hình canh tác
Toàn bộ khu vực Hợp Tiến trước đây là diện tích canh tác lúa kém hiệu quả. Công việc quanh năm vất vả, nhưng thu nhập chẳng được bao nhiêu. Người dân lại hằn sâu tư tưởng, cách làm cũ. Vậy nên phải mất một thời gian dài tuyên truyền, vận động, đưa người dân đi thăm các mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao, người dân xã Hợp Tiến mới dần chuyển đổi từ diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây lấy hạt. Để bà con yên tâm khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng, các cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn xã Hợp Tiến kết hợp cùng các đơn vị, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm đầu ra cho bà con. Đến nay, có đến 80% người dân đã thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đã có nhiều hộ dân từ hộ nghèo, nay đã thoát nghèo.
Như gia đình ông Đinh Công Tuấn, ở thôn Sim Trong, trước kia cũng xen canh gối vụ đủ cả lúa cả màu, nhưng nhiều năm, như ông nói, thu nhập chẳng bao nhiêu. Có điều từ khi chuyển sang trồng bí lấy hạt, năng suất so trồng các loại hoa màu trước tăng lên đáng kể. “Cấy 2 sào thì thu được 1,6-1,7 tấn thóc, nhưng riêng trồng bí nhà tôi có 2.000 gốc đã phải được 80-90 kg hạt. Có thêm công ty bao tiêu thì thu nhập 60-70 triệu đồng/năm”, ông Tuấn hồ hởi, “So với nông thôn như thế là cũng thu hoạch rất cao, bà con rất phấn khởi”.
Theo ông Đinh Công Tặng, Bí thư chi bộ thôn Sim Trong, việc chuyển đổi đó là kết quả của nhiều ngày thuyết phục và cả xây dựng các mô hình thành công cho bà con thấy tận mắt, sờ tận tay: “Một ha cây lúa chỉ thu được 40-50 triệu đồng. Còn sau khi chúng tôi chuyển đổi cơ cấu cây trồng, liên kết hợp đồng với một số công ty về sản xuất cây hạt giống thì một héc-ta có thể đạt được 250-300 triệu đồng cho một vụ”. Đổi thay đó không phải câu chuyện ngày một ngày hai, nó chuyển biến từ từ, nhưng chắc chắn và nhiều hy vọng. Việc chuyển đổi từng bước không chỉ tạo niềm tin trong mỗi người dân, thế nên ở Hợp Tiến, chuyện được mùa mất giá chưa xảy ra. Khâu đầu ra sản phẩm cũng ổn định hơn. “Doanh nghiệp cũng trực tiếp xuống làm việc với địa phương và cũng ký cam kết giữa nông dân với doanh nghiệp, với chính quyền địa phương. Chính vì vậy mà công tác phát triển nông nghiệp trên địa bàn xã cơ bản ổn định. Sản phẩm người nông dân sản xuất ra yên tâm, khi tiêu thụ sản phẩm thì doanh nghiệp đã thu mua trọn gói”, ông Tặng bổ sung.
Xã Hợp Tiến còn có lợi thế lớn khi có Khu bảo tồn thiên nhiên Thượng Tiến – nơi cung cấp nguồn nước ổn định cho sinh hoạt và sản xuất của người dân. Khu bảo tồn có diện tích khoảng 4.000 ha với nhiều động, thực vật quý hiếm. Đây là tiềm năng đặc biệt quý giá mà thiên nhiên ban tặng cho Hợp Tiến để có thể phát triển thêm những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Đỗ Thanh Hải, Trưởng ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Thượng Tiến cho hay, Ban quản lý đang phối hợp với chính quyền địa phương để xây dựng đề án du lịch sinh thái. Có đề án, kêu gọi đầu tư, nguồn tài chính địa phương sẽ tốt hơn, và cũng là “làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng ngày một tốt hơn, nâng cao chất lượng của rừng, cũng như chất lượng cuộc sống của người dân tại vùng đệm của khu bảo tồn này”.