Những năm gần đây, nghề nuôi ong đã mang lại đổi thay cho nhiều nông dân ở Hòa Bình. Với hướng phát triển nghề nuôi ong mật theo hướng hàng hóa, một số HTX đã và đang tạo dựng thương hiệu mật ong Hòa Bình, góp phần cải thiện sinh kế, tạo nguồn thu nhập cho các hộ nông dân.

Kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều năm 2022 cho thấy, tổng số hộ nghèo trong toàn tỉnh Hòa Bình là 27.091 hộ, chiếm tỉ lệ 12,29%; tổng số hộ cận nghèo là 22.114 hộ, chiếm tỉ lệ 10,03%. Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hòa Bình đã đề xuất UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023, với mục tiêu giảm tỉ lệ hộ nghèo của toàn tỉnh xuống còn 9,79%. Vì vậy, việc tạo sinh kế cho người dân bằng các nghề nông nghiệp dựa trên lợi thế của địa phương là rất quan trọng, trong đó điển hình nghề nuôi ong đang giúp nhiều hộ nông dân thoát nghèo.

Lợi nhuận từ 60 – 80 triệu đồng/năm

Xóm Yên Tân, xã Lạc Lương (huyện Yên Thủy) có diện tích đồi rừng khá lớn. Đây là điều kiện để người dân khai thác lợi thế, phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Xóm có trên 300 hộ, trong đó gần 100 hộ nuôi ong. Tận dụng lợi thế nhiều đồi núi, rừng cây tự nhiên phong phú, có nhiều loại hoa, nhất là các loại hoa rừng, nên từ lâu, nông dân xóm Yên Tân đã phát triển nghề nuôi ong lấy mật.

Ông Bùi Văn Bẻm là một trong những người có thâm niên nuôi ong lâu nhất xóm, mỗi năm thu nhập khoảng 80 triệu đồng từ nuôi ong. Ông Bẻm chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi thường vào rừng bắt các tổ ong mật về nuôi. Có những thời điểm nuôi gần 100 đàn, bình quân một đàn ong cho thu 6 – 7 lít mật/năm. So với các loại vật nuôi khác, nuôi ong lấy mật cho hiệu quả kinh tế khá cao nên gia đình duy trì nghề nuôi ong đến nay”.

Năm 2012, khi Dự án Giảm nghèo triển khai các chương trình hỗ trợ sinh kế, được hỗ trợ của dự án, một số hộ nuôi ong ở Yên Tân tham gia các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật; thành lập nhóm đồng sở thích với 12 thành viên, chủ yếu là hộ nghèo. Với kinh nghiệm nuôi ong lâu năm, cùng sự quan tâm đầu tư của dự án, năm 2014, HTX nuôi ong Yên Tân ra đời.

Ông Quách Tất Vở, Giám đốc HTX nuôi ong Yên Tân chia sẻ: “Thành lập HTX, chúng tôi được dự án tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ giống, vốn. Việc nuôi ong cũng dễ, chỉ bỏ công sức lao động chăm sóc, ong tự đi lấy mật từ hoa trong rừng để sống và tạo mật”.

Thời gian đầu, HTX có 300 đàn ong. Để nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm, HTX không ngừng nâng cao kỹ thuật, đầu tư máy móc áp dụng vào quá trình chăm sóc, thu mật. Đến nay, HTX có 26 thành viên, trên 800 đàn ong. Trung bình mỗi năm, mỗi thành viên HTX thu về lợi nhuận từ 60 – 80 triệu đồng. So với các mô hình kinh tế khác trên địa bàn, nghề nuôi ong lấy mật dễ làm, ít rủi ro, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Với quy trình sản xuất đảm bảo, mật ong được lọc bằng máy lọc chuyên dụng, tách nước đúng tỷ lệ bằng máy tách thủy phần, vì vậy, sản phẩm mật ong của HTX đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, giữ được độ sánh vàng, không bị chuyển màu nếu để thời gian dài, tạo nên thương hiệu uy tín, chất lượng và tin cậy, được khách hàng gần xa biết đến. Trong thời gian tới, HTX tiếp tục phát triển hiệu quả mô hình nuôi ong lấy mật, từng bước khẳng định chất lượng và xây dựng thượng hiệu mật ong Yên Tân trên thị trường.

Kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

Ông Quách Tất Vở vui mừng thông tin, mật ong Yên Tân đã, đang tạo dựng được thương hiệu, năm 2021 được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Hiệu quả từ nuôi ong đã góp phần giúp giảm tỷ lệ hộ nghèo của xóm. Thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt trên 39 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 12%.

Hiện nay, HTX không chỉ đơn thuần nuôi ong lấy mật mà còn đa dạng hóa sản phẩm từ ong như: cung cấp ong giống, mở rộng quy mô sản xuất, hiện đại hóa trang thiết bị, đẩy mạnh quảng bá thương hiệu mật ong Yên Tân, quảng bá sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.

“Những giọt mật ong của HTX nuôi ong Yên Tân mang hương vị của thiên nhiên, hòa quyện sánh mịn, vàng óng, tạo nên sản phẩm mật ong rừng tự nhiên không lẫn vào đâu được”, ông Vở chia sẻ.

Nói tới nuôi ong ở Hòa Bình cũng không thể không nhắc tới xã Hợp Tiến, huyện Kim Bôi nổi tiếng với khu rừng bảo tồn rộng hơn 5.000 ha. Tận dụng lợi thế này, HTX Green Life xã Hợp Tiến với 7 thành viên đã ký hợp đồng liên kết với 4 hộ nuôi ong trong xã tạo ra sản phẩm mật ong rừng đặc trưng riêng của địa phương mình. Năm 2022, sản phẩm mật ong rừng Hợp Tiến đã được xếp hạng 3 sao OCOP cấp tỉnh.

Ông Đinh Công Thuần, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX Green Life cho biết, với quy mô trên 3.000 đàn ong nuôi tự nhiên, trung bình mỗi năm, sản lượng mật ong của HTX đạt gần 40 nghìn lít, với tổng thu nhập khoảng 6 tỷ đồng/năm. Hiện nay, mật ong rừng và các sản phẩm sản xuất từ mật ong (nến sáp ong, rượu mật ong) được tiêu thụ tại các cửa hàng thực phẩm sạch ở thành phố Hòa Bình, Hà Nội và các tỉnh lân cận.

Dù đạt được những kết quả bước đầu, song Giám đốc HTX Green Life Đinh Công Thuần cũng chia sẻ, với quy mô và kinh phí hoạt động còn hạn hẹp, thiếu máy móc xử lý nên sản phẩm trên thị trường còn hạn chế. Đây cũng là khó khăn lớn nhất của HTX Green Life sau khi sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP.

Tiếp thêm nguồn lực cho HTX

Thời gian tới, để hoàn thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm hơn nữa và đưa thương hiệu mật ong Hợp Tiến của huyện Kim Bôi vươn xa ra thị trường trong nước và nước ngoài, HTX Green Life sẽ tiếp tục vay vốn đầu tư máy tách thủy phần – loại máy tách lượng nước có trong mật để hạn chế bọt ga, khử men, nấm và lọc cặn; mua tháp chưng cất rượu mật ong.

Đồng thời, HTX Green Life sẽ tiếp tục mở rộng liên kết với các hộ dân nuôi ong địa phương và các huyện trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, thu mua sản phẩm mật ong để chưng cất rượu… Đặc biệt, HTX đang triển khai xây dựng quy trình theo yêu cầu của người sử dụng ở thị trường Nhật Bản và một số thị trường “khó tính” khác (Úc, New Zealand, Pháp).

Do đó, HTX Green Life rất cần các cấp, ngành liên quan tạo điều kiện hơn nữa về vốn đầu tư để HTX xây dựng, mở rộng và phát triển thêm những sản phẩm từ mật ong như dược phẩm tinh bột nghệ mật ong, bánh, kẹo và mỹ phẩm (son dưỡng, kem dưỡng da, sữa tắm)…

Theo ông Hoàng Văn Tuân, Phó Chánh Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Hòa Bình, hiện nay, toàn tỉnh Hòa Bình có 9 sản phẩm mật ong được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh: Mật ong HTX nuôi ong Văn Tiến, phường Kỳ Sơn, thành phố Hòa Bình; mật ong HTX nuôi ong xã Khoan Dụ, huyện Lạc Thủy; mật ong HTX Yên Tân, xã Lạc Lương, huyện Yên Thủy; mật ong HTX dịch vụ nông nghiệp Đại Lợi, xã Đoàn Kết, huyện Yên Thủy; mật ong HTX nông nghiệp xã Lạc Sỹ, huyện Yên Thủy; mật ong HTX Lâm Sơn, huyện Lương Sơn; mật ong HTX nông nghiệp và dịch vụ tổng hợp Thành An, xã Mỹ Thành, huyện Lạc Sơn; mật ong rừng HTX Green Life và mật ong Thượng Tiến – HTX dịch vụ nông nghiệp Thượng Tiến, xã Hợp Tiến, huyện Kim Bôi.

Tỉnh Hòa Bình đã và đang có nhiều giải pháp nhằm khuyến khích doanh nghiệp, HTX, người dân đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất các sản phẩm OCOP thông qua những cơ chế, chính sách hỗ trợ về xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, tham gia các hội chợ, sàn thương mại điện tử quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm đối tác, tiến tới ký hợp đồng hợp tác dài hạn.

Cùng với đó, kết nối người dân, nhà quản lý, nhà khoa học và hỗ trợ vốn vay xây dựng nhà xưởng, đầu tư công nghệ… để từng bước cải thiện năng lực sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, OCOP và sản phẩm đặc trưng của địa phương; trong đó có sản phẩm thương hiệu “Mật ong Hòa Bình”.

“Thời gian tới, từ nguồn vốn hỗ trợ, tỉnh Hòa Bình sẽ tiếp tục thực hiện hỗ trợ những HTX, doanh nghiệp hợp lý để giúp các đơn vị có sự đầu tư, hiện đại hóa sản xuất, nâng cao chất lượng các sản phẩm để đáp ứng được thị hiếu, nhu cầu thị trường và chiếm được lòng tin của khách hàng”,  ông Tuân thông tin.

Nguồn: VNBUSINESS

Gọi điện thoại
0888.066.682
Chat Zalo