Với lợi thế rừng tự nhiên phong phú, nhân dân các dân tộc tỉnh Hoà Bình đã tận dụng, phát triển nghề nuôi ong mật, góp phần không nhỏ tăng thêm nguồn thu, cải thiện đời sống của người dân nơi đây.
Theo số liệu điều tra, toàn tỉnh có trên 2.000 hộ đang tham gia nuôi ong với quy mô khác nhau, tập trung tại các huyện Lương Sơn, Kỳ Sơn, Yên Thủy, Lạc Thủy. Với diện tích đất tự nhiên 466.252,86 ha, trong đó diện tích đất có rừng gần 200.000 ha, Hòa Bình có điều kiện thuận lợi để duy trì và phát triển nghề nuôi ong lấy mật.
Theo đánh giá của những người nuôi ong lâu năm có kinh nghiệm thì nghề nuôi ong ở Hòa Bình phát triển chậm, chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có.
Nhằm nâng cao hiệu quả, năng suất và chất lượng nuôi ong cho các tổ chức, cá nhân tại các địa phương tỉnh Hòa Bình, Trung tâm Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ Âu Mỹ đã tiến hành chuyển giao các quy trình khoa học kỹ thuật và công nghệ nuôi ong hiện đại từ quy trình lấy giống và nuôi ong đến kỹ thuật thu hoạch và bảo quản mật cũng như các phương pháp phòng và chữa bệnh cho ong. Nội dung kiến thức và kinh nghiệm tiếp thu được từ các lớp tập huấn và việc chuyển giao các quy trình công nghệ giúp các hộ nuôi ong ứng dụng vào thực tiễn quá trình nuôi và chăm sóc ong của họ, góp phần nâng cao năng suất, cải thiện chất lượng mật khi thu hoạch, bảo quản cũng như chăm sóc phòng bệnh tốt cho đàn ong
Thông qua việc triển khai dự án, đã góp phần để các sản phẩm mật ong của tỉnh Hòa Bình phát huy danh tiếng, uy tín của sản phẩm, tạo cơ sở và động lực thúc đẩy sản xuất kinh doanh nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị hàng hóa của sản phẩm góp phần đảm bảo cho sự phát triển bền vững của nghề ong.
Đặc biệt, qua quá trình làm việc khoa học, trách nhiệm và sự phối hợp hiệu quả của hộ nuôi và sản xuất, kinh doanh, sự quan tâm của tỉnh, ngành chức năng, ngày 28/11/2018, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) đã cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu chứng nhận “Mật ong Hòa Bình” số 309382 theo Quyết định số 85866/QĐ-SHTT cho Sở NN&PTNT tỉnh Hòa Bình.
Vùng sản xuất “Mật ong Hòa Bình” là các xã, phường, thị trấn thuộc các huyện, thành phố trong tỉnh. Sở NN&PTNT kiểm tra chất lượng sản phẩm tuân thủ đúng theo bộ tiêu chí chất lượng đã được công bố. Cụ thể như về cảm quan, mật ong được sản xuất theo phương thức truyền thống, lên hương tự nhiên, không sử dụng chất phụ gia, không có tạp chất, có mùi thơm đặc trưng, không có mùi lạ, có vị ngọt sắc. Quy trình sản xuất, đóng gói phải đảm bảo tiêu chuẩn ATVSTP…